10 thói quen xấu người trẻ hay mắc phải khi làm việc
Cho tới lúc đời vùi dập cho nhiều lần, thì cũng nhận ra tốt hơn cả là nên đặt cho mình những mục tiêu đơn giản để thay đổi thói quen xấu dần dần.
1. Bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng, và thi thoảng là bữa trưa
Có dạo mình có thói quen xấu là lười ăn sáng kinh khủng. Tự nghĩ mình bận rộn đến độ không có cả thời gian ăn. Thật ra là tự huyễn hoặc bản thân. 15 phút không có gì là quá nhiều để ăn nhanh một thứ gì đó. Vấn đề là mình có muốn hay không thôi.
2. Nỗi sợ ngày chủ nhật
Hồi trước, mình có thói quen xấu là cứ mỗi chiều chủ nhật từ sau khoảng 5h chiều mình bắt đầu nghĩ về thứ 2, nhớ lại việc còn dở từ thứ 6 và than thở lại hết cuối tuần. Đó là ngày xưa, giờ lại mong tới thứ 2 vì được quay lại làm việc thay vì dành toàn bộ thời gian cho ngày cuối tuần và gần như không làm việc gì cả. Tổ chức lại công việc, tận hưởng thời gian nghỉ ngơi và sẵn sàng cho tuần mới với các kế hoạch mới sẽ giúp bạn quên đi nỗi sợ ngày chủ nhật.
3. Để thứ 2 mới bắt đầu công việc
Trước đây, sáng thứ 2 đến văn phòng mình mới bắt đầu ngồi làm to-do list, lấy tinh thần và nhiều khi chợt nhận ra có những việc mình không kiểm soát được. Thay vào đó, bây giờ mình lên check list từ thứ 6, xem tuần tới sẽ làm cái gì, việc nào quan trọng nhất và cần ưu tiên.
4. Tự hứa mai mình sẽ làm việc đó
Nhưng rồi mình vẫn không làm. Đó chỉ là lời hứa của kẻ muốn trì hoãn, nhất là với những nhiệm vụ khó khăn hay không có hứng thú. Làm gì làm ngay đi, sai đâu sửa đó.
5. Tự bao biện, hay giải thích
Lỗi này thì mình không mắc, nhưng nhân viên thì mắc vô cùng nhiều. Không phải bạn nào cũng mắc nhưng đã từng gặp những bạn như vậy. Suốt ngày giải thích và bao biện, luôn cho rằng mình đúng. Không đúng ý mình là có thể phản ứng gay gắt, tệ hơn là dọa xin nghỉ việc, đây là những thói xấu bạn nên cố gắng từ bỏ.
Tiên trách kỷ hậu trách nhân, cá tính đó không giúp chúng ta thành công và bền bỉ trong công việc, cũng không được đánh giá cao – dù có làm gì đi chăng nữa hay có giỏi giang thông minh tới đâu.
6. Làm việc cả khi ốm
Thực tế nếu theo dõi nhịp sinh học, sẽ có lúc chúng ta ốm với sức khỏe rất tệ nhưng đầu óc, trí tuệ, tư duy lại vô cùng tốt. Tuy nhiên, nếu đang ốm mà vẫn cố gắng làm việc chỉ để chứng minh tôi có đạo đức, trách nhiệm với công việc thì không cần thiết lắm mà là tự làm khổ mình. Làm gì thì làm cũng cần nghỉ chứ. Bản thân như cỗ máy, rất cần được nghỉ ngơi.
7. Tránh các sự kiện ở công ty hoặc tránh giao tiếp
Nhiều bạn lấy lý do mình là người hướng nội nên không thích tương tác xã hội không cần thiết. Mình cũng thỉnh thoảng chẳng có thói quen gặp gỡ hay tham gia sự kiện gì. Một phần vì hồi trẻ bố mẹ khó tính không thích cho đi chơi nhiều, thành ra về sau cũng lười chẳng muốn đi lại hay gặp gỡ quá nhiều người. Cũng không phải là quá tệ nhưng nói chung là khi đi làm thì cần phải networking. Điều đó giúp chúng ta cởi mở hơn và cũng giúp thúc đẩy niềm vui với công việc.
8. Chi tiêu vượt quá tiền lương hoặc hạn mức cho phép
Mình uống cà phê phin ở các quán hầu như đều bị đau bụng đi ngoài. Nên sau đó buổi sáng thường bắt đầu bằng capuchino được rang xay trực tiếp không có phụ gia, và thường chỉ mua ở một hệ thống nào đó kiểu như Starbucks. Bữa sáng có khi đắt gấp đôi bữa trưa. Nên sau một thời gian, giải pháp của mình là vẫn uống cà phê đó buổi sáng nhưng trưa thì mang cơm đi làm. Tiết kiệm được kha khá.
9. Quá lười biếng, không chịu học hỏi
Nhiều bạn trẻ làm việc với mình tiến bộ rõ rệt chỉ sau 06 tháng. Nhưng có người thì không, dù mình tạo nhiều cơ hội cho học hỏi tại vì các bạn lười quá đó mà, nghĩ bản thân mình đủ giỏi rồi, nên không cần tiếp thu gì thêm, cũng không thích thử thách bản thân, thích sự an toàn. Ngại hỏi, lười đọc, không chịu động não và ỷ lại là những thói quen xấu không ít người trẻ mắc phải.
10. Gắn bó với một công việc mà mình không thích
Trong quãng thời gian hơn 10 năm, cũng có những lúc mình thấy mình đang chọn sai công ty, sai vị trí. Nhưng may mắn mình không bị lún sâu vào nó, thường là sau tối đa 06 tháng mình sẽ nghỉ để tìm kiếm cơ hội khác. Môi trường, tính chất công việc, đồng nghiệp, lĩnh vực… thường là các yếu tố ảnh hưởng lớn nhất. Khi đã không thích, thì làm gì cũng thấy mệt mỏi và không có động lực. Tại sao phải vậy? Tệ hơn, có nhiều bạn còn không biết mình muốn làm cái gì hoặc thích cái gì.
Trong số các việc mình đã làm, thì có lẽ trở thành freelancer là việc mình thấy đúng đắn và yêu thích nhất. Nhưng cũng mất cả chục năm mới có thể trở thành freelancer và kiếm được dư dả với nó. Quan trọng hơn là vì thích nên lúc nào cũng có cảm hứng để làm việc, không ngại khó, cũng có mục tiêu rất rõ ràng. Nên là, bạn đừng dại mà lún sâu vào làm những gì mình không thích. Hãy một lần dám bứt phá đi.
Đã gọi là thói quen thì không phải ngủ dậy một đêm sẽ thay đổi được. Nhưng không phải là không thể thay đổi. Cải thiện hay không, là do ý chí của bản thân.
Theo: HR Insider